
Trên thế giới, có khoảng 3 triệu hợp tác xã (HTX) với 1,2 tỷ người là thành viên, trong đó có 300 HTX tạo ra doanh thu mỗi năm trên 3.000 tỷ USD.
Theo con số thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến nay cả nước có hơn 20.000 HTX đang hoạt động với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên. Tổng số vốn điều lệ của các HTX vào khoảng 34.000 tỷ đồng và tổng tài sản đến cuối tháng 3/2018 xấp xỉ 80.000 tỷ đồng.
Hiện mới chỉ có khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn lại là chủ yếu tự xoay xở. Vì thiếu vốn, nhiều HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ cao, không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Năm 2012, tỷ trọng hệ thống HTX đóng góp vào GDP Việt Nam là 12%, năm 2018 chỉ còn khoảng 7%, khá thấp nếu so với trung bình thế giới từ 15% đến 30%.
Chia sẻ trong sự kiện giới thiệu Diễn đàn Pháp lý Liên minh Hợp tác xã khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Việt Nam đăng cai tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam nhìn nhận, sau nhiều năm thay đổi – cải tiến - phát triển, hệ thống HTX Việt Nam đang có một bộ mặt tươi mới và đầy sức sống, khác xa tưởng tượng của nhiều người.
Mô hình HTX kiểu cũ vận hành theo hình thức: các thành viên sẽ góp tất cả tư liệu sản xuất vào hợp tác xã và không còn sở hữu bất cứ thứ gì từ trâu bò cho đến công cụ lao động, mục tiêu cuối cùng là mang về lợi ích kinh tế cho HTX đó.
Mô hình HTX kiểu mới hiện đã rất khác: thành viên HTX vẫn là chủ hữu nhà cửa ruộng vườn và sử dụng một phần vốn góp vào HTX, nhiệm vụ chính của HTX chủ yếu thực hiện các dịch vụ đầu vào như phân, giống và đầu ra như bảo quản, chế biến, bán hàng cho các thành viên, mục tiêu là vì thu nhập hoặc lợi nhuận cho các thành viên rồi mới đến HTX. Khi phân phối lợi tức sẽ căn cứ vào 2 yếu tố: phần trăm vốn góp cùng mức độ công sức bỏ ra cho hoạt động chung.
Theo ông Bảo, tác động dễ thấy nhất của hình thức HTX kiểu mới mua chung – bán chung, chính là giúp các thành viên giảm chi phí sản xuất. Hồi ông còn tại vị Chủ tịch ngân hàng Agribank, đơn vị này đã cùng hợp tác với một HTX ở Hà Nam, bằng cách cho HTX vay tiền mua thức ăn cho nông dân nuôi lợn. Agribank đã gửi thẳng tiền đến cho nhà máy sản xuất thức ăn gia súc và nhà máy này đã chuyển thẳng sản phẩm của mình đến cho người nông dân.
Với hình thức mua chung này, nông dân nuôi lợn đã giảm được 10% đến 12% chi phí sản xuất, do lãi vay ngân hàng thấp hơn lãi suất khi họ mua chịu của đại lý và giá sản phẩm cũng thấp hơn khi mua đại lý bởi họ không phải trả thêm chi phí logistics.