
Dòng dịch chuyển kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam
Ông Lê Duy Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuân Hòa cho biết một lượng lớn khách quốc tế đã đến nhà máy tại ngoại thành Hà Nội thời gian qua. Nhiều khách hàng của Xuân Hòa, bao gồm cả hãng sản xuất nội thất của Thụy Điển là Ikea đã chuyển hướng một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Bloomberg đưa tin.
Ít nhất 10 khách hàng mới tiềm năng từ nước ngoài đã đến Xuân Hòa chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay. Doanh số bán hàng của doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ tăng ít nhất gấp đôi trong vòng 5 năm tới.
“Chiến tranh thương mại chắc chắn đang mang đến thêm nhiều công việc kinh doanh. Ngày càng nhiều doanh nghiệp liên lạc để chuyển đổi từ hàng Trung Quốc sang hàng của chúng tôi”, Bloomberg dẫn lời.
Tại hội thảo xúc tiến đầu tư “Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án liên kết USAID cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cho biết 35% công ty Mỹ tại Trung Quốc được AmCham phỏng vấn trong năm 2018 đã hoặc dự định rời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc.
Điều tra UBS của Bloomberg hồi tháng 2 vừa qua thậm chí còn cho thấy mức độ cao hơn với 62% doanh nghiệp Mỹ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã, đang hoặc xem xét việc dời cơ sở sản xuất ra khỏi Bắc Kinh.
Ông Ron Ashkin cho biết một số lĩnh vực có động cơ di chuyển nhiều hơn các lĩnh vực khác và tỷ lệ bị ảnh hưởng bởi thuế cũng khác nhau. 90,6% lĩnh vực Thiết bị điện tử và 88,4% lĩnh vực điện tử và máy tính bị ảnh hưởng – hai khu vực có lượng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, cho thấy cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt từ chiến tranh thương mại.
Chiến tranh thương mại như một cú huých kéo nhiều doanh nghiệp tới Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh.
Theo Bloomberg, hai nhà cung cấp của Apple là GoerTek của Trung Quốc và tập đoàn Đài Loan Hon Hai Precision Industry (hay còn được biết đến là Foxconn) cũng như một số đối thủ khác đã di chuyển sang Việt Nam giữa căng thẳng thương mại.
Nhà cung cấp đồ gia dụng của Mỹ Haverty Furniture cũng đang tăng cường sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này do áp lực thuế quan.